Bánh rế có xuất xứ tại Phan Rang, Ninh Thuận nhưng ngày nay trở thành một trong những món ăn phổ đặc sản ở Phan Thiết, Bình Thuận. Nghề làm bánh rế ở Phan Thiết tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành. Đây là nghề truyền thống của các gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh rế có mùi vị và độ ngon khác nhau.
Những nghệ nhân làm bánh rế lâu đời tại Phan Thiết cho biết, món này thoạt đầu trông rất đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo. Nguyên liệu chính chủ yếu từ khoai mì hoặc khoai lang thái nhỏ.
Khi làm bánh, người thợ bắc chảo dầu lên lò than đang ửng hồng, thêm một ít dầu dừa. Khi dầu sôi, bốc một nắm khoai mì, khoai lang bào sẵn bỏ vào vá (muỗng) có cán dài rồi nhúng vào chảo. Dùng đũa đảo sợi khoai lên cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày.
Dầu nóng làm khoai chín và kết dính vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình thù giống cái rế để lót nồi, xoong, niêu của người dân vùng quê, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, từ đó mà “bánh rế” ra đời.
Chiên hết số sợi mì đã bào, cũng là lúc bánh rế đầy rổ. Người dân dùng một chảo khác để thắng đường. Gấp từng chiếc bánh rế một nhúng sâu vào chảo đường rồi lấy ra, cứ tiếp tục cho đến hết. Sau đó rắc thêm chút mè trắng rang sẵn lên mặt bánh rế để khi dùng tạo hương thơm và vị đặc biệt hơn.
Chiếc bánh rế chiên dầu vàng, nhai giòn tan, vừa ngọt vừa béo cùng với đó là hương thơm của mè, khoai lang, khoai mì…khiến vị giác của bạn như tan chảy mỗi khi nếm thử.