Nghi lễ cung Nghinh Ông (Cung nghinh Ông sanh) trong lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận gắn liền với tục thờ cúng cá Ông (Thần Nam Hải). Theo quan niệm của ngư dân “Ông” là sinh vật thiêng liêng ở biển, là vị thần cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển. Đã trở thành tín ngưỡng dân gian, phổ biến trong các thế hệ ngư dân vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận
Nghi lễ Cung Nghinh Ông trong lễ hội Cầu ngư là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân ven biển Bình Thuận, là dịp để mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn. Đây vừa là dịp cho ngư dân thỉnh Ông về vạn chứng giám lễ hội Cầu ngư, đồng thời cầu mong sự bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được ấm no thịnh vượng, buôn may bán đắt.
Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết thường diễn ra khoảng giữa cuối tháng sáu âm lịch hàng năm và bao gồm nhiều nghi lễ khác nhau… Trong đó, Nghi lễ cung nghinh Ông là nghi lễ được thực hiện hết sức chu đáo, long trọng và quy mô nhất trong lễ hội Cầu ngư, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của ngư dân.
Trong nghi thức này, vạn tổ chức một đoàn thuyền lễ có cờ, lọng, hương án, chiêng, trống, đội nhạc lễ và đội chèo Bả trạo ra khơi làm lễ để nghinh rước linh hồn Ông Nam Hải từ biển khơi về vạn chứng giám, hưởng lễ và phù hộ độ trì cho những người lao động trên biển có một mùa cá bội thu, tránh những tai nạn rủi ro để vươn tới một cuộc sống no ấm và sung túc.
Việc tổ chức đoàn thuyền lễ ra khơi cung nghinh Ông là nghi thức dân gian truyền thống có từ lâu đời của các lăng vạn. Theo tập tục những thuyền tham gia đoàn cung nghinh Ông có 1 thuyền lễ chính được trang trí cờ, lọng lộng lẫy, trang nghiêm hơn các thuyền khác gọi thuyền lễ Chính. Thuyền lễ chính sẽ đưa đoàn lễ gồm: Ban Nghi lễ, Ban phụng sự lễ, các nhà sư, đội nhạc lễ, đội múa Bả trạo, hương án, chiêng, trống và lễ vật ra khơi hành lễ nghinh Ông.
Đoàn lễ ra biển cách bờ khoảng 2km, đến vùng biển lặng, sóng êm thì dừng lại để thực hiện nghi lễ cung nghinh Ông. Mở đầu nghi lễ, ông Chánh bái dâng hương đèn lên hương án, các khí cụ lần lượt được gióng lên từng hồi theo trình tự: 3 hồi chiêng đến 3 hồi trống sau đó đội nhạc lễ diễn xướng, đội chèo Bả trạo vác mái chèo đứng hầu ở hai bên mạn thuyền lễ. Lễ nghinh Ông do 1 Nhà sư làm chủ lễ và 2 ông Chánh bái, Bồi bái làm phụ lễ. Sư chủ lễ dâng hương đèn, trà rượu, gạo muối lên hương án, khấn niệm và đọc kinh thỉnh cầu Ông Nam Hải từ biển khơi về chứng giám, hưởng lễ. Tiếp đó, một ông trong Ban Nghi lễ đọc văn tế cung nghinh Ông Nam Hải và các vị Thủy Thần mong Ông hiểu được những lời thỉnh cầu của những người lao động biển và đồng ý theo đoàn lễ về lăng vạn chung vui, hưởng lễ cùng dân chúng.
Sau khi đọc xong bài sớ và bài văn tế được đốt đi, gạo, muối và các phẩm vật trên hương án được Ban Nghi lễ rải xuống biển để gửi cho các bậc Thủy Thần và các vong linh chết oan trên biển. Lúc này đoàn thuyền quay vào bờ, đội Bả trạo vừa hát vừa diễn xướng mái chèo theo các làn điệu dân gian tạo nên một không khí hồ hởi, vui tươi và nhộn nhịp để đón chào và cung thỉnh Ông Nam Hải. Lời ca trầm bổng, tiếng nhạc thiết tha giữa cảnh trời nước như bày tỏ lòng thành kính và biết ơn Ông vô vàn của những người lao động biển.
Sau khi đoàn thuyền về đến bờ đoàn lễ tiếp tục đi bộ diễu hành về vạn, trên đường đưa Ông về vạn, chiêng, trống, nhạc lễ và đội chèo Bả trạo liên tục diễn xướng các làn điệu cổ truyền thống tạo nên một không khí ngày hội vui tươi, náo nức, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách đến chiêm bái.
Khi đoàn lễ cung nghinh Ông về đến vạn, vào theo lối cổng chính, đội Bả trạo trong tư thế qùy để diễn xướng các vũ điệu chèo và hát thỉnh mời Ông vào vạn. Sau khi Ông đã yên vị trong Chính điện, đội Bả trạo tiếp tục các trò diễn, hát múa ngay trước Chính điện bằng những làn điệu vô cùng độc đáo, phong phú và hấp dẫn để mừng Ông đã về và yên vị tại vạn, đến đây nghi lễ cung thỉnh Ông coi như đã hoàn tất. Sau đó, lăng vạn sẽ tiếp tục tổ chức các nghi lễ tiếp theo gắn với tín ngưỡng, tập tục thời cúng cá Ông của ngư dân.
Nghi lễ nghinh Ông trong lễ hội Cầu ngư của ngư dân Phan Thiết phản ánh về ý tưởng, ước mơ hướng đến cuộc sống tốt đẹp từ nhiều đời qua là linh hồn của những ngày hội cộng đồng, là điểm nhấn độc đáo thông qua đó cho chúng ta thấy được diện mạo bản sắc văn hóa dân gian riêng biệt của vùng biển Phan Thiết – Bình Thuận./.
Tác giả bài viết: Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tàng tỉnh Bình Thuận