Sông Cà Ty là hợp lưu của 02 sông là sông Móng và sông Ka Bét tại ngã ba thuộc xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam. Sông Móng và sông Ka Bét đều bắt nguồn từ huyện Tánh Linh ở cao độ 1.300 m và tiếp giáp với lưu vực sông La Ngà.
Sông Cà Ty là một trong những sông lớn thuộc tỉnh Bình Thuận, có chiều dài hơn 50 km, bắt nguồn từ xã Hàm Thạch, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, qua đồng bằng Phan Thiết rồi đổ ra cửa biển tại cửa Phan Thiết.
Các đặc điểm hình thái lưu vực sông Cà Ty:
- Diện tích lưu vực: 753 km²
- Chiều dài sông chính: 56 km
- Chiều dài lưu vực: 45 km
- Cao độ bình quân lưu vực: 159
- Độ dốc bình quân lưu vực: 11,2 %
- Độ rộng bình quân lưu vực: 16,7 km
- Mật độ lưới sông: 0,32 km/km²
- Hệ số uốn khúc: 1,4.
Thượng nguồn Sông Cà Ty là một trong những nguồn cung cấp nước chính cho đồng bằng Phan Thiết, ngoài ra sông Cà Ty còn là đường giao thông thủy và là nơi neo đậu thuyền bè của Thành phố Phan Thiết.
Thượng nguồn sông Cà Ty có các nhánh sông suối lớn như sông Ka Bet xuất phát từ xã Mỹ Thạnh thuộc huyện Hàm Thuận Nam, ở cao trình 400,0 m, sông Móng xuất phát từ huyện Tánh Linh, ở cao trình 500,0 m tiếp giáp lưu vực sông La Ngà, hai sông này hợp lưu tại xã Hàm Thạch. Phần trung, hạ lưu sông Cà Ty được hợp lưu bởi các sông suối, như suối Ngà, sông Lớn, suối Gầu.
Mùa lũ thường xuất hiện sau mùa mưa khoảng 02 tháng, thông thường mùa lũ thường kéo dài 5 tháng từ tháng 7 đến tháng 11 trong năm. Tổng lượng dòng chảy trong thời gian này chiếm khoảng 80% tổng lượng dòng chảy năm. Mùa lũ ổn định nhất trong 4 tháng, từ tháng 7 đến tháng 10 và lũ lớn nhất thường tập trung vào 3 tháng 8, 9, 10, lượng dòng chảy trong mỗi tháng này chiếm từ 17 – 18% lượng dòng chảy năm.
Mùa kiệt thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 – 5 năm sau, chiếm khoảng 20% lượng dòng chảy cả năm. Do lượng mưa trong mùa này rất nhỏ, thảm thực vật bị suy thoái nên khả năng giữ nước trên lưu vực kém, phần lớn các suối đều bị khô cạn không có dòng chảy. Lượng dòng chảy nhỏ nhất thường rơi vào các tháng 1, 2, 3 và chiếm khoảng trên dưới 1,9% lượng dòng chảy cả năm.
Tháng 3, xuôi dòng Cà Ty bắt tôm càng xanh
Cà Ty – dòng sông hiền hoà chảy ngang giữa lòng TP Phan Thiết (Bình Thuận) từ lâu được xem là biểu tượng thân quen của người Phan Thiết qua nhiều thế hệ. Bên cạnh hình ảnh ghe thuyền tấp nập ra vào cửa sông, dòng Cà Ty còn là địa điểm để các ngư dân thoả đam mê với nghề câu tôm càng xanh khá độc đáo.
Dòng Cà Ty chảy ngang qua lòng thành phố từ lâu là biểu tượng văn hóa của người Phan Thiết. Sông Cà Ty được hình thành từ 2 dòng chính là sông Ta Da và sông Móng, chảy theo hướng đông và hợp lưu ở phía đông xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) đổ ra cửa biển Cồn Chà. Bên cạnh ghe thuyền hàng ngày đi ngang cửa sông hướng ra biển để khai thác hải sản thì trên dòng Cà Ty có một nghề câu hết sức độc đáo, đó là đánh bắt tôm càng xanh.
Anh Huỳnh Nguyên Trung, nhà ở đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa là người có thâm niên hơn 30 năm chuyên bắt tôm càng xanh nơi dòng sông này. Anh Trung cho biết, lúc mới 10 tuổi, anh đã theo cha lặn lội ra dòng Cà Ty để đánh bắt các sản vật dưới sông. Trong đó, riêng nghề câu tôm khiến anh thích thú nhất. Khác với các loại hải sản khác, tôm càng xanh chỉ về dòng Cà Ty trong thời gian 3 tháng mỗi năm. Và tôm chỉ theo dòng nước thượng nguồn đổ về khi trời bắt đầu có mưa.
Dụng cụ và mồi câu tôm càng xanh cũng hết sức đặc biệt. Để câu loại hải sản có giá trị này, anh Trung thường dùng lưỡi câu chế tạo bằng dây đàn, được uốn theo hình chữ C, mài nhọn phần đầu. Chiếc lưỡi độc đáo này được gắn vào một đoạn cưới dài, được thu kéo bằng một chiếc chai, chứ hoàn toàn không dùng cầu câu máy. Tôm càng xanh là loài khá kén mồi, nên để dẫn dụ được chúng, người câu cũng phải nghiên cứu trong cách chọn mồi. “Hồi xưa giờ mình chỉ câu bằng tay, chứ không dùng máy móc gì cả. Chủ yếu là dùng cái ống nhựa, tự chế thành cần. Còn mồi thì chỉ đi kiếm những con cua đồng mới lột da về để câu” – anh Trung nói.
Một điều đặc biệt khiến nghề câu tôm trên sông Cà Ty hấp dẫn dân câu đó chính là giá trị con tôm. Anh Bảo, một cần thủ chuyên câu sông tại phường Đức Nghĩa (TP Phan Thiết) cho biết, mỗi con tôm càng xanh tính luôn phần cang thì có chiều dài lên đến gần 60cm. Trọng lượng mỗi con thường giao động từ 0,2 – 0,3kg. Nếu tính theo giá thị trường thì cứ mỗi 4 con/ký sẽ được bán ở mức 400 – 600 ngàn đồng. “Hàng năm khi mùa nước lũ về thì con tôm càng xanh theo nước lũ về rất nhiều. Tuy nhiên để bắt được tôm không phai dễ. Chỉ khi chọn được con nước phù hợp, lúc con tôm đang ở thể trạng tốt thì nó mới ăn mồi” – anh Bảo chia sẻ.
Cũng theo anh Bảo, đối với con tôm càng xanh, ngoài việc sử dụng lưỡi câu thì tôm còn có thể đánh bắt trực tiếp bằng tay. Những khi nước thượng nguồn sông đỗ về, các dòng phù sa làm nước sông chuyển màu, tôm theo đó về rất nhiều. Lúc này, ở các chân cầu, vùng nước xoáy tôm càng xanh thường tìm đến trú ngụ. Và nếu tinh ý thì cần thủ có thể dùng tay hoặc vợt để bắt trực tiếp tôm.
Dòng Cà Ty, với người Phan Thiết qua bao thế hệ là hình ảnh biểu tưởng tuổi thơ gắn liền với phương kế mưu sinh của không ít người. Đây là một trong số không nhiều dòng sông trên cả nước chảy ngang giữa lòng thành phố nhộn nhịp, tạo ra điểm nhấn độc đáo với Lễ hội hội thuyền Mùng 2 Tết hàng năm. Điểm nhấn này còn trở nên độc đáo hơn với hình ảnh câu tôm càng xanh trên dòng Cà Ty, một trải nghiệm thú vị cho những ai yêu mến dòng sông hiền hoà này.