Dinh Vạn Thủy Tú là một điểm du lịch khá nổi tiếng ở thành phố du lịch Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đến đây du khách có thể tìm hiểu về tục thờ cá Ông, một nét văn hóa – tín ngưỡng độc đáo của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ.
Dinh Vạn Thủy Tú nằm trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ gắn liền với lịch sử và văn hóa của nghề đi biển, đặc biệt là tục thờ cúng thần Nam Hải (cá Ông – cá voi) của ngư dân tỉnh Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng.
Theo tín ngưỡng của cư dân đi biển vùng Nam Trung Bộ nói riêng và của người Việt nói chung, cá Ông chính là vị thủy thần thường hiện lên cứu giúp họ mỗi khi gặp phải phong ba bão táp, tai nạn trên biển, nên người đi biển rất sùng kính cá Ông, coi như một vị thần hộ mệnh. Vì thế, khi gặp cá Ông chết (tục gọi là cá Ông lụy – PV) người ta thường làm lễ chôn cất và thờ cúng rất thành kính.
Trở lại với câu chuyện của dinh Vạn Thủy Tú, theo các tài liệu cổ, dinh này được tạo lập vào năm Nhâm Ngọ (1762) để thờ cá Ông. Lúc đầu dinh chỉ là một gian nhà gỗ lợp mái lá, sau đó được tôn tạo hoàn chỉnh dần bằng tường gạch, mái lợp ngói âm dương với tổng diện tích khoảng chừng hơn 500m2. Dẫu đã trải qua hơn 250 năm sương gió nhưng công trình kiến trúc này vẫn còn gìn giữ được khá nguyên vẹn.
Do cách thiết kế, bài trí và thờ phụng của dinh Vạn Thủy Tú khá giống với đình nên cũng có thể gọi nó là đình. Hương án chính giữa dinh Vạn Thủy Tú thờ Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần (tức ông Nam Hải), khám tả thờ Hy hoàng Thái hiệu Tiên sư Tôn thần (ông tổ nghề nông ngư nghiệp), khám hữu thờ Thủy long Thánh phi Nương nương Tôn thần (nữ thần nước). Nói tóm lại là thờ những nhân vật liên quan đến nghề biển.
Ngoài ra, dinh Vạn Thủy Tú còn có nhiều di sản văn hóa Hán – Nôm liên quan đến nghề biển, thể hiện trong nội dung thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối, trên văn khắc của đại hồng chung… Nơi đây cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặngBởi theo như sử cũ kể lại thì xưa kia, lúc giao tranh với nhà Tây Sơn, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển. Hiện trong dinh có 24 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Riêng vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, đây là điều hiếm thấy so với các di tích khác.
Trong khuôn viên dinh Vạn Thủy Tú có một vùng đất rộng gọi là Ngọc Lân Thánh địa dùng để mai táng cá Ông mỗi khi Ông lụy và dạt từ biển vào. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy “Ông” lụy đầu tiên thì được làm “con trưởng” của “ngài”, và người này có nhiệm vụ lo làm đám tang chu đáo, để tang sau ba năm mới mãn tang… Điều này cho thấy một phong tục lạ của ngư dân đối với cá Ông theo tín ngưỡng gần như quan hệ giữa người với người.
Đặc biệt, trong dinh Vạn Thủy Tú hiện đang lưu giữ và thờ phụng một bộ xương cá Ông, thuộc loài cá voi lưng xám, dài và lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á, với chiều dài và trọng lượng lúc Ông còn sống khoảng 22m, 65 tấn, được bảo quản hầu như không mất một phần xương nào. Bộ xương có niên đại đã hơn 100 năm. Du khách đến tham quan dinh đều trầm trồ trước vẻ kỳ vĩ của Ông.
Dinh Vạn Thủy Tú thật sự là nơi linh thiêng, mang lại nhiều phước lành cho bà con vùng biển Phan Thiết.